Trong không khí thi đua sôi nổi của các cấp, các ngành trong tỉnh lập thành tích chào mừng kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn. Bằng ngôn ngữ riêng của Bảo tàng thông qua các tài liệu, hình ảnh và hiện vật trưng bày trong triển lãm kể lại những câu chuyện liên quan đến các sự kiện lịch sử, quá trình phát triển trên quê hương Xứ Lạng từ ngày thành lập đến nay. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa tiến trình lịch sử diễn ra trên đất Lạng Sơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lập tự cường và tạo đà cùng cả nước hội nhập và phát triển.
Kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2011) tại Bảo tàng tỉnh tổ chức triển lãm với chủ đê: “Lạng Sơn xưa và nay”. Nhiều hình ảnh và hiện vật đặc biệt quý hiếm, lần đầu tiên ra mắt công chúng. Nội dung trưng bày triển lãm chia thành 3 tiêu đề như sau:
+ Lạng Sơn từ ngày thành lập đến cách mạng tháng 8/1945.
+ Lạng Sơn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ 1945 - 1975.
+ Lạng Sơn khôi phục kinh tế, đổi mới và hội nhập từ 1976 đến nay.
Triển lãm trưn trưng bày các bộ sưu tập ảnh cỡ 30cmx45cm, các hiện vật thể khối, các cổ vật và các mô hình phục vụ trưng bày ngoài trời.
- Tiêu đề 1: Lạng Sơn từ ngày thành lập tỉnh (4-11-1831) đến cách mạng Tháng tám thành công. Trưng bày thành hai tiểu đề, với khoảng 60 hình ảnh, 20 hiện vật và 02 pano bản trích. Lạng Sơn là một tỉnh miền núi thuộc vùng đông bắc của Tổ quốc, với chiến thắng Chi Lăng lịch sử, diệt hàng chục vạn quân xâm lược và chém đầu bại tướng Liễu Thăng. Ở Đông Khê – Biên giới, như còn in dấu dép Bác Hồ khi chỉ huy chiến dịch, rồi khởi nghĩa Bắc Sơn hừng hực khí thế cách mạng, chiến thắng đường 4 rực lửa anh hùng. Lạng Sơn một thời là “cảng nổi” trong kháng chiến chống Mỹ.... Lạng Sơn còn trên 500 di tích lịch sử văn hoá và trên 300 lễ hội trên địa bàn tỉnh.
a- Tiểu đề 1: Tại triển lãm giới thiệu các hình ảnh phản ánh các mặt sinh hoạt của cư dân và các địa danh trên đất Xứ Lạng từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX., đó là một trong số những ảnh mới được sưu tầm tại các bảo tàng trong nước, được giới thiệu lần đầu tại tại Lạng Sơn.
Du khách tham quan được ngắm cảnh phố chợ Kỳ lừa năm 1874 và chợ Bắc Lệ 1915, như đắm mình trong không khí tấp nập mua bán trong cảnh chợ phiên.
Không khỏi ngỡ ngàng trước ảnh người phụ nữ dân tộc Dao Cóc Mèn ở Lạng Sơn đầu thế kỷ XIX.
Triển lãm như đưa những ai đã trải qua các cuộc chiến trong lịch sử dân tộc Việt trở về với thực tại khi xem cảnh trận đánh Bắc Lệ (phải chăng trận đánh này đã được ghi trong cuốn “Việt Nam những sự kiện lịch sử” – Tập 1 (từ 1865 – 1896) NXB KHXH, Hà Nội 1981:... “Ngày 29/6 nghĩa quân VN tấn công đánh chiếm đồn Bắc Lệ quân Pháp bị thiệt hại nặng 1 quan hai và 1 quan 1 bị bắt. Trận này do Hoàng Đình Kinh tri huyện Hữu Lũng chỉ huy...”?). Khách tham quan triển lãm được chứng kiến cảnh quân Pháp đánh chiếm tràn vào Lạng Sơn tháng 2-1885 và chiếm Đồng Đăng (ảnh chụp tranh) và sự hiện diện của quân phát xít Nhật kéo vào Lạng Sơn năm 1940.
Triển lãm còn cho mọi người cơ hội chiêm ngưỡng cửa khẩu Ải Nam quan và toàn cảnh đồn lũy Thành nhà Mạc của Lạng Sơn cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt là được “mục sở thị” cách mạng công nghiệp hơn 300 năm trước ở châu Âu nay hiển hiện tại Lạng Sơn khi chứng kiến đoàn tàu hoả tiến vào ga Lạng Sơn (nay là vị trí đoạn đường Hùng Vương, ngang với núi Hang Dê) năm 1892. Lạng Sơn là “phên dậu” quốc gia ngăn bước quân thù phương bắc, khiến quân xâm lược “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. Nơi đây cũng là điểm khởi đầu con đường “thiên lý” từ biên giới Đại Việt đến kinh thành Thăng Long xưa, là nơi đón tiếp và đưa tiễn hầu hết các đoàn sứ bộ bang giao giữa hai nước Việt – Trung. Ta còn thấy trong lịch sử một Lạng Sơn phát triển các trung tâm thương mại lớn từ thế kỷ XI, thời nhà Lý đã “lung linh sóng nước, xôn xao tiếng chợ”, tấp nập mua bán đổi trao các sản vật, trên bến dưới thuyền trên dòng sông Ô Bi (tên người Tống gọi sông Kỳ Cùng TK XI), tiền thân chợ Kỳ Lừa ngày nay.
Lạng Sơn còn là nơi cư ngụ của các tộc người Việt cổ thời hậu Cánh Tân cách ngày nay từ 3 đến 4 vạn năm được phát hiện ở Kéo Lèng và xa hơn nữa là dấu vết của người vượn cổ cách ngày nay 40 vạn năm được phát hiện ở Thẩm Khuyên – Thẩm Hai. Lạng Sơn với hai nền văn hoá khảo cổ rực rỡ là Bắc Sơn và Mai Pha, văn hoá Bắc Sơn có công cụ lao động rìu mài phổ biến sớm cách ngày nay trên dưới 10.000 năm và Văn hoá Mai Pha tiếp nối thời hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí tiền sơ sử, có niên đại khoảng 3.500 năm TCN.
Phần nền ở khu vực này được bố trí hai tủ trưng bày để giới thiệu một số hiện vật thuộc phương tiện sản xuất, đồ dùng của các dân tộc Lạng Sơn trong thời kỳ này.
Tong thời kỳ vận động cách mạng trước và sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời:
Triển lãm đưa người xem đến với thôn Phạc Lạn, huyện Văn Lãng quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ và thôn Bản Hẻo, quê hương đồng chí Lương Văn Tri cùng cả nước đổi mới từng ngày. Đến Trường tiểu học Pháp - Việt như được trở về nơi các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri... học từ năm 1924-1926.
Đến những nơi ghi lại dấu ấn trong cuộc hành trình làm cách mạng và xây dựng tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam tại Lạng Sơn, đó là hình ảnh Khu Nà Han xã Phi Mỹ huyện Tràng Định, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ tổ chức kết nạp nhiều cán bộ trung kiên vào Đảng và thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của huyện Tràng Định năm 1937. Đình Háng Pài xã Thụy Hùng huyện Cao Lộc, nơi thành lập Chi bộ đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn. Thôn Pó Tát xã Hưng Vũ huyện Bắc Sơn nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của Huyện Bắc Sơn năm 1936. Hang Cóc Mười huyện Tràng Định nơi nghỉ tạm của các đồng chí lãnh đạo trên đường đi dự hội nghị TW lần thứ 8 tại Cao Bằng, năm 1941.
Người xem triển lãm còn thấy Trại lính khố xanh (trên địa bàn phường Đông Kinh xưa, nay thuộc phường Vĩnh Trại), nơi một số thanh niên Lạng Sơn yêu nước rải truyền đơn vận động binh lính bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân.
b. Tiểu đề 2: Phản ảnh qua trình từ phong trào yêu nước chuyển sang phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đến cách mạng Tháng tám năm 1945 của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Tại đây trưng bày các sưu tập ảnh có nội dung liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri... đối với Lạng Sơn nói riêng cả nước nói chung; Một số địa điểm, địa danh thành lập chi bộ Đảng đầu tiên cho đến phát triển các cơ sở Đảng ở Lạng Sơn và diễn biến cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tháng 9 năm 1940; Sưu tập ảnh có nội dung liên quan đến trước và sau cách mạng Tháng tám năm 1945 của Tỉnh Lạng Sơn.
Phần nền khu vực này trưng bày từ một số hiện vật, tài liệu, đồ dùng, phương tiện của cá nhân đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri...
- Tiêu đề 2: Lạng Sơn trong thời kỳ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng cả nước vừa thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam và xây dựng CNXH đấu tranh thống nhất đất nước (1946 - 1975).
(Tàu vào Ga Lạng Sơn năm 1892)
Trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan của quân và dân các dân tộc trong tỉnh đấu tranh chống thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954, các ảnh trận đánh ác liệt diễn ra trên đường số 4 rực lửa anh hùng; Giải phóng thị xã Lạng Sơn ngày 10-10-1950; Ảnh chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ 1950-1954.
Đây là giai đoạn đất nước ta cùng lúc thực hiện hai cuộc cách mạng: Ở Miền Bắc toàn dân tích cực tăng gia sản xuất thể hiện tinh thần tự lực tự cường để chi viện cho Miền Nam với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, vừa thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; Ở đây giới thiệu hình ảnh các phụ nữ Lạng Sơn vừa lao động sản xuất (Cô thợ hàn dân tộc Nùng Lạng Sơn, công nhân đang vận chuyển tà vẹt xây dựng đường sắt Hà nội - Lạng Sơn...) được Chủ tịch HLHPNVN Nguyễn Thị Định tặng cờ 3 đảm đang, vừa chiến đấu của Nữ du kích xã Quang Lang bắn rơi máy bay Mỹ tại Chi Lăng tháng 12-1965. Giai đoạn này, người xem như thấy mình hoà trong khí thế hừng hực lửa cách mạng của tuổi trẻ hăng hái tòng quân Nam tiến khi xem ảnh các học sinh Trường cấp III Việt Bắc và Đoàn quân Bắc Sơn I lên đường vào Nam đánh Mỹ năm 1953. Chứng kiến cảnh đổ nát của nhà cửa làng mạc và cảnh anh hùng Nông Văn Nghi, đồng chí Hoàng Văn Páo đang tháo bom Mỹ cùng ảnh bom Mỹ đánh sập cầu Kỳ Cùng, cho mọi người thấy khía cạnh khốc liệt của cuộc chiến. Tinh thần và ý chí quật cường của quân và dân ta vượt qua đạn bom, vượt qua khó khăn nguy hiểm trong kháng chiến chống Mỹ. Trong khi đó đồng bào Miền Nam thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, cùng đồng bào Miền Bắc đấu tranh thống nhất đất nước, Nam - Bắc xum họp một nhà.
Trong phần này còn trưng bày các hiện vật phản ảnh phong trào hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, văn hoá xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng, các hiện vậtquân dân Lạng Sơn dùng để chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ...
(Cung văn hoá thiếu nhi)
- Tiêu đề 3: Lạng Sơn thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập từ 1976 đến nay. Đây là tiêu đề trọng tâm, phản ánh các thành tích đạt được về mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến động trên thế giới. Trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật có tính chất điển hình nổi bật, nhằm tạo thành điểm nhấn gây nhiều ấn tượng cho người xem, khách đến tham quan học tập. Phản ánh đầy đủ toàn diện các lĩnh vực đời sống văn hoá xã hội của tỉnh, trong không khí trăm hoa đua nở, phát triển rực rỡ. Hình ảnh Khách sạn Mường Thanh đạt tiêu chuẩn quốc tế, các ngân hàng bề thế khang trang, các công sở tầm cỡ hiện đại, các sản phẩm công - nông - lâm nghiệp... đặc sắc. Hình ảnh xây dựng cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực: xây dựng, thủy lợi, thủy nông, công thương nghiệp các cơ sở nhà máy doanh nghiệp, cửa khẩu, trang trại... Văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục... Xây dựng trường học, xây dựng cơ sở y tế, các cơ sở văn hóa, đài phát thanh truyền hình, truyền thông... Các di sản văn hoá gồm khuôn viên tượng đài, các điểm di tích lịch sử, nhà lưu niệm. Các hình ảnh hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, ảnh ghi dấu các sự kiện diễn ra trong tỉnh như: đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, nhà nước trao cho tỉnh Lạng Sơn, hoạt động của các tổ chức xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Tại khu vực này còn trưng bày các ảnh được giải cuộc thi ảnh lần thứ V của tỉnh đồng thời chào mừng 180 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn. Các tác giả phản ánh đậm nét nhiều đề tài đời sống kinh tế xã hội trên đất Xứ Lạng, các ảnh đẹp và có sức lôi cuốn người xem.
(Khách sạn Mường Thanh Lạng Sơn đạt tiêu chuẩn 4 sao)
Phần nền trưng bầy các sản phẩm do nhân dân các vùng, các doanh nghiệp, xí nghiệp, công ty, các cơ sở tư nhân của tỉnh tạo ra như: Gạch ngói, xi măng, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, và một số sản phẩm khác có năng suất cao có giá trị về kinh tế và xuất khẩu...Một số tủ còn lại sẽ trưng bầy các hiện vật có tính chất lưu niệm, thành tích, các tài liệu, sách báo trong suốt giai đoạn phát triển đổi mới và hội nhập của tỉnh Lạng Sơn.
Không gian trưng bày ngoài trời mô phỏng nét văn hoá kiến trúc truyền thống của đồng bào Nùng Phàn Sình xã Xuất Lễ huyện Cao Lộc, về “Làng phòng thủ, nhà pháo đài Khuyên Hin” một kiến trúc trình tường nhà vườn với tỷ lệ 1/3 và công cụ lao động là sáng chế cổ của người nông dân sản xuất lúa nước. Các bục bệ khác trưng bày xác máy bay Mỹ bị quân dân ta bắn rơi ở Lộc Bình và Chi Lăng, cùng một loạt thân cây “Cơm cháy” hoá thạch quý hiếm, cách ngày nay từ 25 đến 5 triệu năm, nay đã tuyệt chủng. Hoà trong không gian này còn hai bức phù điêu đá kích thước lớn mô tả cảnh sinh hoạt và lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn tạo một ấn tượng mạnh đến khách tham quan.
Như vậy, với ba tiêu đề được trưng bầy các hình ảnh tài liệu, hiện vật thể khối phối hợp với các tài liệu phụ như sơ đồ, biểu đồ, bản trích trong gian trưng bầy, phản ánh sinh động nội dung triển lãm "Lạng Sơn xưa và nay" một cách lôgich, mạch lạc sinh động xuyên suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Lạng Sơn từ khi thành lập cho đến nay. Đây là triển lãm quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với những hình ảnh và hiện vật quý hiếm độc đáo lại được trình bày khoa học sinh động, gây ấn tượng mạnh và rất bổ ích cho du khách tham quan nghiên cứu và học tập./.
Theo Trần Hữu Tính
(Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn)